1) Phật giáo đặt trọng tâm vào con người:
Trên con đường giải thoát khổ đau, Phật giáo dạy con người quay trở về nương tựa mình trong hiện tại và tại đây. Ðức Phật dạy:
"Hãy trở về nương tựa mình và nương tựa pháp"
"Hãy là nơi nương tựa cho chính mình, không tìm kiếm một nơi nương tựa nào khác".
"Ngươi là hòn đảo là nơi nương tựa của chính ngươi".
Giáo lý nhân quả nghiệp báo xác định rõ con người là chủ nhân của nghiệp và là kẻ thừa tự của nghiệp. Thế nên, địa bàn chính để đoạn trừ khổ đau là chính mỗi người trong hiện tại và tại đây. Nếu khổ đau phát sinh từ đó, thì cũng từ đó phát sinh sự dập tắt khổ đau, hay phát sinh hạnh phúc.
2) Tính thiết thực hiện tại của sự đoạn khổ sinh lạc:
Ðức Phật đã nhiều lần xác định Ngài ra đời chỉ vì lợi ích, an lạc cho Chư thiên và loài người chỉ vì lòng thương tưởng cuộc đời. Giáo lý nền tảng của Phật giáo là Tứ đế chỉ đưa ra vấn đề khổ đau và con đường giải quyết khổ đau. Câu chuyện nắm lá Simsàpa và câu chuyện mũi tên độc là các ảnh dụ nhấn mạnh vào tinh thần thực tế và thực tiễn khẩn thiết loại bỏ khổ đau khỏi con người và cuộc đời.
3) Tinh thần Bi, Trí, Dũng:
Trên đường loại bỏ khổ đau, chánh kiến (hay trí tuệ, bao gồm chánh tư duy) luôn luôn dẫn đầu các pháp hành. Hành giả trước nhất cần nhận rõ thực trạng khổ đau và các nguyên nhân gây khổ đau để nhận ra con đường loại bỏ chúng. Thiếu nó thì hành giả sẽ đi chệch hướng giải thoát.
Sau khi có chánh kiến, trí tuệ, hành giả tiếp vận dụng chánh tinh tấn, hay Từ chánh cần, để thực hiện con đường. Trên đường đi hành giả thường xuyên phát khởi lòng từ để dập tắt dục vọng và để cứu độ chúng sanh.
Ðấy là ba yếu tố quyết dịnh một hành vi hướng về hạnh phúc và giải thoát của Phật giáo.
4) Mục tiêu là hạnh phúc, giải thoát ngay tại đời này:
Ðức Phật chỉ dạy khổ và con đường đoạn tận khổ có nghĩa là chỉ nói đến hạnh phúc và sống đời sống tâm thức hạnh phúc ngay trong hiện tại, tại đây, ở trên đời này.
Mỗi bước đi của bố thí, trì giới, thiền định và trí tuệ là mỗi bước đi ra khỏi các tác nhân gây rối loạn tâm lý, và đi vào an lạc, hạnh phúc của tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Bước đầu tiên đi vào thiền định là bước đầu xúc tiếp với hạnh phúc có tần số rung động cao hơn tần số rung động từ vật chất. Càng vào sâu định, càng cảm nhận hạnh phúc cao đẹp hơn, tinh tế hơn và bền bỉ hơn. Cho đến lúc trí tuệ sinh khởi có thể đốt cháy hết thảy tham, sân, si, cội nguồn của mọi khổ đau, thì hành giả đối mặt với hạnh phúc chân thật của Niết bàn - giải thoát thân (Vikmukti-kàya) - Tại đây chưa đề cập đến Niết bàn pháp thân của bậc Chánh đẳng chánh giác.
Nếu đạo đức dược hiểu đồng nghĩa với hạnh phúc thì toàn bộ giáo lý Phật giáo là một nền giáo lý về đạo đức, giới thiệu con đường sống ngay trong hiện tại phù hợp với mọi căn cơ, mọi không gian, thời gian, và văn hóa, đi vào hạnh phúc ngay tại trần gian giữa dòng sông vô thường. Nền đạo đức này có đầy đủ tính chất nhân bản, khoa học, thực tiễn và rất là thực tại.
5) Nhận thức cơ bản của nền đạo đức Phật giáo:
Giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn xác định con người là một tập hợp thể của 5 yếu tố: sắc uẩn (vật lý), thọ, tưởng, hành, thức (tâm lý). Không có một ngã thể là tự ngã, linh hồn hay tiểu ngã nào có mặt ở đó. Sắc uẩn thì bao gồm tự thân vật lý, thân tha nhân và thế giới vật lý; thọ uẩn thì bao gồm các cảm thọ thiền định và các cảm thọ từ các căn xúc tiếp với các trần. Tưởng uẩn, thức uẩn và hành uẩn cùng tồn tại bất khả ly với hai uẩn kia. Như thế, con người hiện hữu gắn liền với tha nhân và thế giới. Con người chỉ ổn định khi nào thể hiện được sự hòa điệu của 5 uẩn ở bên trong và thể hiện hòa điệu với gia đình, xã hội và thiên nhiên ở bên ngoài.
Giáo lý Duyên khởi cũng xác định con người tương quan mật thiết với thế giới, vừa xác định khổ đau có mặt khi ái, thủ, vô minh có mặt. Khổ đau ấy nằm ngay trong thân ngũ uẩn nên cũng do duyên mà diệt đi từ thân ngũ uẩn. Ðiều này có nghĩa là khi ái diệt, thủ diệt, vô minh diệt thì khổ diệt. Khổ diệt là chân hạnh phúc, chân an lạc, giải thoát xuất hiện. Con người có thể tự mình dần dần hay tức thời dập tắt ái, thủ để cảm nhận hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Ðây là cơ sở nhận thức mở ra con đường đạo đức của Phật giáo.
Giáo lý nền tảng Tứ đế giới thiệu cùng nhận thức như thế và giới thiệu cụ thể lộ trình giải thoát, hay lộ trình của các nếp sống đạo đức.
Giáo lý nhân quả nghiêp báo trình bày rõ rệt các hành động bị điều động bởi tâm lý tham, sân, si là các hành động dẫn đến khổ đau, vì thế chúng là bất thiện; các hành động được điều động bởi vô tham, vô sân, vô si là các hành động dẫn đến các kết quả an lạc, hạnh phúc, vì thế chúng là thiện. Thiện là đạo đức và bất thiện là phi đạo đức của Phật giáo. Hệt như Banzeladze đã tuyên bố: "Nơi nào không có những điều kiện cho hạnh phúc, thì nơi ấy không có điều kiện cho đức hạnh". (Ðạo đức học, Banzeladze, NXB. Hà Nội. 1985, tr, 260).
6) Phật giáo và vấn đề cội nguồn của đạo đức và các chuẩn mức đạo đức:
Về cội nguồn đạo đức và các chuẩn mức đạo đức thì mối hệ tư tưởng có một quan niệm khác nhau. Do vì cái nhìn về con người, thé giới, giá trị và hạnh phúc khác nhau mà có sự khác biệt về cội nguồn đạo đức và chuẩn mức đạo đức.
Có quan điểm cho rằng trí tuệ phát triển trong quá trình lao động, và sự phát triển trí tuệ, tư duy, ngôn ngữ, có ảnh hưởng đến tương quan của con người, vì thế có ảnh hưởng đến quan niệm về đạo đức của con người. Ðạo đức ở đây là sản phẩm của xã hội, nên khi xã hội biến đổi thì đạo đức cũng biến đổi theo. Ví như xã hội thay đổi thể chế từ phong kiến qua dân chủ thì quan niệm đạo đức cũng thay đổi theo.
Có quan niệm đạo đức xây dựng dựa vào một đấng sáng tạo, sáng thế vĩnh cửu, nên nền đạo đức và cái chuẩn mức đạo đức hầu như cốâ hữu, là hệ quả của những lời phán xét của các trang thánh kinh.
Hẳn nhiên còn có nhiều quan niệm đạo đức khác nhau nữa tùy theo mục tiêu của đời sống dừng lại ở các chỗ khác biệt nhau. Phật giáo thì xây dựng con đường sống đạo đức trừ trí tuệ thực nghiệm toàn giác của đức Phật nên có cái nhìn giá trị ổn định.
Phật giáo không nêu lên vấn đề cội nguồn của mọi hiện hữu, gồm cả cội nguồn của đạo đức, bởi vì mọi hiện hữu đều duyên sinh, vô tự tính. Nhưng ở mặt tương đối, Phật giáo ghi nhận có khổ đau do ái, thủ, vô minh gây ra. Vấn đề thiết thực ở đây là dập tắt mọi nguyên nhân khổ đau ở từng cá thể. Do vậy, chuẩn mức đạo đức chỉ có thể do các cá thể thể nghiệm và đặt ra, dựa vào hiệu quả đoạn diệt tham, sân, si. Không thể thiết lập các chuẩn mức đạo đức dựa vào sự tướng biểu hiện bên ngoài của các hành động, bởi cùng một hành động có thể do nhiều động cơ thiện, bất thiện tác động khác nhau nên có giá trị đạo đức khác nhau.
Con đường đạo đức Phật giáo vì thế là con đường tự giác, tự chứng và tự nguyện. Dù vậy, trước qui luật nhân quả quá mành rành, con người vẫn phải nghiêm chỉnh hướng dẫn đời sống nội tâm của mình.
Do vì hạnh phúc của con người là mục tiêu của cuộc sống nên hạnh phúc của con người là giá trị chuẩn. Các giá trị khác là thứ yếu phải xếp xoay quanh cái trục giá trị đạo đức này.
7) Kinh nghiệm hạnh phúc - Kinh nghiệm đạo đức:
Ở điểm như thế nào mới là hạnh phúc, thực sự hạnh phúc, và làm thế nào để hạnh phúc thì lại càng có nhiều quan niệm khác biệt nhau hẳn.
Có người cho rằng hạnh phúc đến từ vật chất, có người cho đến từ tình cảm, trí thức. Có người cho hạnh phúc đến từ sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần v.v... Vì thế mà nhân loại đã dựng lên nhiều nếp sống, nếp nghĩ, đạo đức khác nhau.
Banseladze thì cho rằng: "Hạnh phúc là một hiện tượng vừa thuộc về vật chất vừa thuộc về tinh thần". (Ibid, tr. 246).
- "Trong lãnh vực khoái cảm vật chất, khoái cảm càng mạnh thì càng ngắn ngủi. Cường độ của khoái cảm tỷ lệ nghịch với độ dài thời gian của nó". (Ibid, tr. 268).
- "Trong lãnh vực những khoái cảm về tinh thần, nhân tố thời gian có một vai trò hoàn toàn khác: thời gian tác động có lợi cho con người. Ở đây không có qui luật tỷ lệ nghịch, ngược lại, cường độ khoái cảm càng cao trong lãnh vực này thì nó càng kéo dài". (Ibid, tr. 269).
Dù cho các triết gia, các nhà đạo đức có kinh nghiệm khác nhau về hạnh phúc và về thế nào để đượqc hạnh phúc, thì tất cả các điểm khác biệt đó vẫn có một điểm chung cùng rằng: hạnh phúc là một cảm thọ có điều kiện. Ðã là cảm thọ có điều kiện thì dưới cái nhìn Phật giáo nó là vô thường. Và do vì có mặt lòng tham trước mà vô thường đem lại khổ đau.
Cảm thọ hạnh phúc càng mạnh thì thời gian cảm nhận càng nhanh sau đó là một khoảng trống tâm lý lớn lao, hoặc là đối mặt với một cảm thọ tiếp theo hẳn là khổ đau - (cảm thọ kém hơn là khổ đau).
Ngay cả khi con người đang ở trong hạnh phúc, thì nỗi lo sợ vô thường xảy đến cũng đủ gây đau nhức cho tâm thức con người.
Thế là con người hầu như thường phải đối mặt với khổ đau. Phật giáo thấy rõ gốc của mọi khổ đau ấy là dục vọng, tham ái, hay chấp ngã, mà không phải là vô thường hay sinh diệt. Do đó mà con đường sống chế ngự dục vọng là con đường tiến đến hạnh phúc, xúc tiếp với hạnh phúc. Tại đây hạnh phúc không có nghĩa là thỏa mãn các dục vọng mà là biết sống chế ngự dục vọng, và loại trừ dục vọng. Phật giáo đã giới thiệu một con đường vào hạnh phúc mở rộng cho nhiều căn cơ, nhiều cấp độ tâm thức khác nhau.